Thanh minh những điều cần phải nắm chắc
Thanh minh là một trong những ngày lễ cổ truyền của người Việt, thể hiện lòng đạo hiếu của con cháu với ông bà tổ tiên. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ.
Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí trong năm theo cách tính của lịch dương. Còn Tết Thanh Minh là một ngày trong tiết Thanh Minh tùy vào từng quốc gia lựa chọn. Ở Việt Nam thì nói đến tết Thanh Minh người ta chỉ nghĩ tới lễ tảo mộ và hội đạp thanh, còn ở một số nước khác thì đó còn là một ngày quốc lễ. Thanh minh là một trong những ngày lễ cổ truyền của người Việt, thể hiện lòng đạo hiếu của con cháu với ông bà tổ tiên. Vì thế, ngày này mang giá trị văn hóa và tinh thần nhân văn sâu sắc. Để chuẩn bị thật chu đáo cho dịp quan trọng này.
1. Những điều cần biết khi tảo mộ tiết Thanh minh
Tiết Thanh Minh tảo mộ thể hiện lòng hiếu thuận Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng.
Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
2. Kiêng kỵ khi đi tảo mộ
– Khi đi tảo mộ, trang phục cần phải chỉnh tề, nên chọn màu tối để biểu thị sự tôn kính với tổ tiên. Trước khi tảo mộ không nên ăn hoặc chỉ nên ăn chay để biểu thị sự tôn kính đối với tiên nhân.
– Khi đi tảo mộ không được cười đùa nói to, tránh không nóng giận, cãi vã nếu không sẽ chuốc phiền phức.
– Khi đi tảo mộ nên mang theo bùa bình an, đào mộc hoặc tượng Phật bản mệnh để hộ thân.
– Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt, những trẻ vị thành niên lại càng cần phải chú ý điều này.
– Tiết Thanh minh không nên mời thầy pháp, thầy chùa theo cúng lễ sinh tốn kém. Chỉ gia đình, họ tộc tự đi tảo mộ, tự khấn vái là được.
– Khi tế lễ hóa tiền vàng cần thận trọng tránh hỏa hoạn, đảm bảo an toàn.
– Nên tránh chọn thời điểm cuối tuần đi tảo mộ để tránh tình trạng ồn ứ ách tắc giao thông.
– Trong thời gian diễn ra tiết Thanh Minh, ngoài tảo mộ còn có hội Đạp Thanh. Vì thế, bạn có thể nhân cơ hội này đi du ngoạn.
– Sau khi tảo mộ trở về cũng lưu ý đừng cười đùa, tốt nhất vừa đi đường vừa niệm ” Tâm kinh” hoặc “Đại bi kinh”.
– Trước khi vào nhà cần bước qua chậu lửa để tiêu trừ âm khí. Nếu thấy buồn bực mệt mỏi, nên tắm rửa, thay quần áo.